image banner
Di tích: Văn Miếu huyện Duy Xuyên (Văn thánh hàng huyện)
Lượt xem: 17

Quảng Nam là vùng đất có truyền thống hiếu học; nhiều người con Quảng Nam đã làm rạng rỡ truyền thống đó trong các khoa thi dưới các triều đại phong kiến.

anh tin bai
Toàn cảnh Di tích bia Văn Thánh nhìn hướng Đông Bắc

Khoa thi năm Mậu Tuất 1898, niên hiệu Thành Thái thứ X, triều đình Huế tuyển chọn được tám Tiến sĩ, chín Phó bảng; trong đó Quảng Nam có năm người đỗ gồm ba Tiến sĩ, hai Phó bảng. Đất Quảng Nam từ đó được mệnh danh là đất Ngũ phụng tề phi (Năm chim phụng cùng bay). Noi gương tiền nhân, đồng thời để răn dạy các thế hệ sau về truyền thống hiếu học, nhân dân trong vùng đã đóng góp công sức, kinh phí để xây dựng các văn bia, ghi danh những bậc nho sĩ, trí thức đỗ đạt cao trong các khoa thi để tôn vinh, thờ phụng. Theo quy định, những nơi thờ Khổng Tử cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện là Văn miếu, cấp xã, cấp làng là Văn từ, Văn chỉ.

Huyện Duy Xuyên là một huyện có bề dày về truyền thống hiếu học. Nhiều người con của huyện đã đỗ đạt cao như: Tiến sĩ Lê Thiện Trị đỗ khoa thi năm Mậu Tuất - 1838 thời Minh Mạng 19, là khai khoa học vị cho cả sáu tỉnh từ Quảng Nam vào đến Ninh Thuận. Song khoa phó bảng Nguyễn Khải đỗ hai lần liên tiếp: Khoa thi năm Ất Dậu - 1884 thời Kiến Phúc và khoa thi năm kỷ Sửu - 1889 thời Thành Thái. Phó bảng Võ Hoành đỗ khoa thi năm Canh Tuất - 1910 thời Duy Tân. Nhằm khuyến khích con em trong dòng tộc và nhân dân trong vùng học hành, Tiến sĩ Lê Thiện Trị cùng các vị khoa bảng, văn thân đứng ra vận động xây dựng văn miếu vào khoảng năm 1860 - 1865. 

anh tin bai
Tấm bia đá tại Di tích Văn Thánh Huyện 

Văn miếu được xây dựng trên diện tích rộng hơn tám sào với sự ủng hộ của tri phủ và nhân dân các xã lân cận. Trong văn miếu có thờ Khổng Tử, chư hiền và các vị khoa lục trong tỉnh, huyện. Người dân nơi đây còn gọi công trình này là Văn Thánh bởi thờ Đức Khổng Tử - được phong “Văn tuyên vương đại thành chí thánh tiên sư”, và  các tiên nho, tứ phối, thất thập nhị hiền.

Sau khi xây dựng hoàn thành Văn Thánh, quy định được đặt ra ba năm thì tổ chức đại tế một lần vào ngày 16 tháng 2 âm lịch. Các văn thân, khoa bảng trong huyện đều phải khăn áo chỉnh tề để tham dự đông đủ. Trong đại tế có các quan của tỉnh và các phủ huyện cùng với các tộc họ trong vùng đến tham dự. Lễ tế phải có đầy đủ các lễ vật gồm tam sinh heo, bò dê; nhã nhạc, xướng độc, cờ xí thật trang nghiêm. 

Các bậc cao niên còn nhớ ngày trước cả tỉnh Quảng Nam chỉ có Điện Bàn và  Duy Xuyên là có Văn Thánh cơ ngơi xây dựng bề thế. Từ sức lan tỏa của Văn Thánh huyện Duy Xuyên, một số xã trong và ngoài huyện đã huy động nguồn lực, nhân công để xây dựng văn miếu xã, văn chỉ làng, lập hội tư văn, tư võ học theo nghi thức văn thánh huyện. Địa điểm xây dựng tại khu vực xã Duy An trước đây nên Văn Thánh của huyện được gọi với nhiều tên khác nhau: Văn Miếu Duy Xuyên; Văn Thánh Hàng Huyện, Văn Miếu Duy An, Văn Từ Duy Xuyên…

anh tin bai
Tấm bia đá tại Di tích Văn Thánh Huyện 

Địa điểm xây dựng Văn Thánh nằm về phía Đông, sát quốc lộ 1 (đoạn Nam Phước cầu Bàu Vân) thuộc khối phố Long Xuyên 1, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên. Từ ngã ba Nam Phước đi theo Quốc lộ 1 hướng Đà Nẵng chừng 400 mét, nhìn về phía Đông sẽ thấy hai trụ vôi cao to đứng giữa cánh đồng, đó chính là hai trụ biểu của khu Văn Thánh huyện xưa còn lại. Theo sách Đại Nam nhất thống chí (quyển 5), Văn Thánh huyện Duy Xuyên lúc xây dựng ban đầu gồm chính đường có tam gian; nhị hạ, hậu tẩm xây lầu theo quy tắc cũ lợp ngói. Hai trụ cổng cao khoảng 3m, đường kính 0,86m, cách nhau chừng 10m; có tấm bia khắc chữ Hán, ghi lại tên tuổi các vị khoa bảng trong huyện. Năm Ất Dậu 1885, do có biến cố nên Văn Thánh bị thiêu hủy. Đến năm Thành Thái 14 (1902) thì được trùng tu. 

Di tích này đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 754/QĐ/UBND/2006 ngày 13/3/2006 công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh. 

Do tác động của thời gian, trùng tu thời đó chủ yếu là vôi vữa nên Văn Thánh đã bị bào mòn và xuống cấp trầm trọng. Toàn bộ khuôn viên rộng hơn tám sào đất của khu Văn Thánh đã bị san bằng và trở thành khu dân cư, đồng ruộng. Còn lại duy nhất của di tích xưa chỉ là hai trụ biểu như nói ở trên. Đến năm 2016, khi khu phố chợ Nam Phước mở rộng phát triển và được sự thống nhất cao của các ngành chức năng hai trụ biểu của văn thánh huyện được tháo gỡ để phục dựng bảo tồn, cũng tại địa điểm này bia di tích được xây dựng mới để tôn vinh và ghi dấu địa điểm di tích xưa.

 
Tin mới
Thư viện Ảnh
select
Thống kê truy cập
  • Đang online: 21
  • Hôm nay: 48
  • Trong tuần: 324
  • Tất cả: 3726

ĐƠN VỊ CHỦ QUẢN: ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ NAM PHƯỚC - TP ĐÀ NẴNG

ĐỊA CHỈ: 468 HÙNG VƯƠNG, XÃ NAM PHƯỚC, TP ĐÀ NẴNG