image banner
Di tích: Chiến thắng Đình Đông
Lượt xem: 11

Đình Đông là đình làng của xóm Đình Đông, thuộc thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, được lập để thờ phụng các bậc tiền nhân thuở mở nước về phương Nam. Đình nằm trên gò đất khá cao của làng, phía Nam sát sông Bà Rén, phía Đông giáp quốc lộ 1, phía Bắc giáp trạm Nam Phước, xa xa về phía Tây là vùng núi chiến khu Hòn Tàu. Với vị trí đó, Đình Đông trở thành địa chỉ cách mạng tin cậy qua các thời kỳ kháng chiến của địa phương.

 

Bia di tích Chiến thắng Đình Đông

Ngày 30/4/1930, Chi bộ Tân Mỹ Đông (tiền thân của phủ ủy Duy Xuyên), được thành lập trên sông Bà Rén. Đình Đông trở thành một trong những địa điểm sinh hoạt chi bộ, gây dựng phong trào của địa phương. Trong những năm 1930- 1945, phong trào cách mạng bị địch đánh phá ác liệt, nhiều cơ sở bị vỡ. Đình Đông vẫn là nơi bí mật nhất để liên lạc giữ vững phong trào.

Thực hiện chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, tháng 3/1940, Tỉnh uỷ lâm thời Quảng Nam được thành lập, do đồng chí Võ Toàn (Võ Chí Công) làm bí thư. Tỉnh ủy phân công cán bộ về địa phương để củng cố các tổ chức của Đảng. Đồng chí Võ Chí Công trực tiếp về Duy Xuyên để xây dựng lực lượng cách mạng. Cuối năm 1940, đồng chí Trương Chí Cương sau khi ra tù, tổ chức thành lập chi bộ Phụng Tây - Long Xuyên và được bầu làm Bí thư.

Trong thời gian này, Xứ ủy Trung Kỳ đóng tại Duy Sơn; Tỉnh ủy Quảng Nam đóng tại Xuyên Châu. Duy Xuyên trở thành nơi đầu não của tổ chức Đảng Xứ Trung Kỳ, tỉnh Quảng Nam và phủ Duy Xuyên. Đình Đông trở thành mắt xích xung yếu trong đường dây liên lạc của Đảng; từ Xứ ủy đến Tỉnh ủy, Phủ ủy; từ khu Tây đến khu Đông của phủ. Đồng chí Võ Chí Công và các đồng chí trong Xứ ủy, Tỉnh ủy thường xuyên hoạt động tuyến từ Duy Sơn xuống đến Đình Đông để gặp cán bộ Tỉnh ủy Quảng Nam, phủ Duy Xuyên và xuống Thi Thại (xã Duy Thành) nơi gia đình ông Trần Tý nuôi giấu đồng chí Võ Chí Công.

Năm 1945, chi bộ Phụng Tây được thành lập lại do đồng chí Trịnh Hà làm Bí thư, đã chọn Đình Đông làm nơi sinh hoạt chi bộ. Ông đã nhiều lần đưa đồng chí Võ Chí Công đến tại các gia đình ở xóm Đình Đông để liên lạc với các nơi và xây dựng phong trào chuẩn bị cho cuộc đấu tranh giành chính quyền. Mặc dầu địch lùng sục ngày đêm nhưng nhân dân làng Phụng Tây và xóm nhỏ Đình Đông tuy chỉ có bảy hộ nhưng đã chắt chiu nuôi giấu, bảo vệ an toàn trong suốt thời gian đồng chí Võ Chí Công cùng lực lượng cán bộ và cơ sở cách mạng hoạt động tại đây.

Trong cao trào cách mạng tháng 8/1945, nhân dân làng Phụng Tây đã lấy Đình Đông làm điểm tập hợp rồi nhập vào đoàn đấu tranh của phủ Duy Xuyên giành chính quyền, góp vào thắng lợi chung của xã Xuyên Châu (thị trấn Nam Phước).

Thời kỳ 1946 - 1954, Đình Đông lại là điểm sinh hoạt của nhân dân làng Phụng Tây, nơi mở lớp bình dân học vụ, nơi sinh hoạt phổ biến đường lối của Đảng và Chính Phủ, vận động nhân dân tăng gia sản xuất, vận động nhân dân đóng góp lương thực nuôi quân… Khi thực dân Pháp chiếm đóng Duy Xuyên, địa điểm này trở thành cơ sở bí mật để tiến công địch. Nơi đây còn trở thành điểm hẹn tập kết bí mật của thanh niên ở vùng địch tạm chiếm trước khi lên chiến khu tham gia cách mạng.

Sau Hiệp định Geneve (1954), chế độ Ngô Đình Diệm bắt và tra tấn dã man những người kháng chiến cũ, những người chúng nghi là cộng sản. Cũng tại nơi đây, chúng còn bắt nhân dân học tập chính huấn, tố Cộng, ly khai; đàn áp các gia đình cách mạng. Nhờ có sự chỉ đạo trực tiếp của các đồng chí Trần Thận, Võ Tấn Bản, Trương Thiều, Nguyễn Thành Văn... về đứng điểm chỉ đạo, nên phong trào đấu tranh cách mạng vẫn giữ vững.

Thời kỳ 1960 - 1967, Đình Đông trở thành nơi liên lạc của du kích và cán bộ hoạt động cách mạng, vượt qua sự kiểm soát dày đặc của địch. Đình Đông là điểm liên lạc của các lực lượng cách mạng từ Hội An, vùng Đông Duy Xuyên, vùng Đông Quế Sơn đến căn cứ của Tỉnh đội Quảng Nam, Huyện ủy Duy Xuyên ở Xuyên Trà, Xuyên Hiệp. Dần dần Đình Đông trở thành nơi sống và hoạt động chiến đấu kiên cường của các đội du kích xã và cán bộ trên tỉnh về, kể cả Quảng Nam và Quảng Đà, liên hệ trú chân ẩn giấu lực lượng, là nơi Đảng bí mật tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng, làm bàn đạp xuất quân... Đình Đông còn là nơi những người dân yêu nước muốn làm cách mạng tìm đến để bắt liên lạc; đêm đêm khi trời tối lạc đường, hoặc giao liên các tuyến lỡ đường đều tìm đến địa điểm Đình Đông.

Vào tháng 5/1967, ta xác định mục đích khống chế quốc lộ 1 (đoạn từ Nam Phước đến cầu Bà Rén), đánh địch không để chúng mở rộng địa bàn chiếm đóng và kìm chân để các đơn vị khác tấn công đồn Trà Kiệu, Hòn Bằng. Đêm 17/5/1967, giao liên cùng với du kích xã Xuyên Châu đã đưa được toàn bộ tiểu đoàn 9 thuộc trung đoàn 31 sư đoàn 2 hành quân từ Sơn Trung, Sơn Phúc (huyện Quế Sơn) về đến Đình Đông. Đồng chí Nguyễn Thành Tư - tham mưu trưởng tiểu đoàn, đã bố trí ban chỉ huy tiểu đoàn đóng tại Đình Đông; đại đội 10, đại đội 12 đóng tại xóm Mỹ Long; đại đội 9 ở xóm Tân Tây; đại đội 11 tại xóm Phước Mỹ. Phương án chiến đấu là tiến công địch ở các đồn, đồng thời khống chế quốc lộ 1 và chuẩn bị đánh địch cứu viện.

Vì hành quân đường xa, địa bàn mới lạ nên đến 4 giờ ngày 17/5/1967 mới ổn định đội hình nhưng bộ phận thông tin hữu tuyến nối liên lạc giữa các đại đội với ban chỉ huy tiểu đoàn do địa bàn rộng nên bị lộ bí mật. Do đó, địch biết có chủ lực quân giải  phóng về đánh lớn. Địch huy động một lực lượng lớn gồm bộ binh, có xe tăng yểm trợ, các trận địa pháo 105 ly ở Cẩm Hà, Hòn Bằng, Ái Nghĩa, Núi Quế bắn cấp tập vào Đình Đông. Tiểu đoàn 9 kiên cường chiến đấu đánh phản kích địch. Trận chiến diễn ra vô cùng ác liệt và không cân sức giữa ta và địch. Quân ta phản công; ta và địch đánh cận chiến. Địch tăng quân và gọi máy bay ném bom napan hủy diệt.

Sau hơn một ngày một đêm chiến đấu, ta tiêu diệt hơn một đại đội, phá hủy nhiều xe bọc thép M113, đẩy lùi cuộc tiến công của địch. Trong trận chiến đấu này, Đình Đông bị bom pháo phá hủy hoàn toàn, làng xóm tan hoang xơ xác. Nhân dân các xóm Duy Ninh, Phụng Tây, Mỹ Long vẫn lo công tác tiếp tế lương thực, nước uống, đạn dược, tải thương binh và mai táng liệt sỹ, trở thành chỗ dựa cho bộ đội.

Sự hy sinh của cán bộ chiến sỹ tiểu đoàn 9 trong trận Đình Đông đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là ký ức lịch sử thiêng liêng, bi tráng, hào hùng trong mỗi người dân Duy Xuyên. Từ đó, Đình Đông được mệnh danh là trận địa thép và trở thành một trong những trang lịch sử đấu tranh cách mạng của thị trấn Nam Phước và huyện Duy Xuyên.

Trước ngày giải phóng trong hoàn cảnh ta yếu địch mạnh, khu vực Đình Đông do cây cối mọc rậm rạp, lại trở thành căn cứ lõm  đã phát huy vai trò vị trí của mình. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ và xã đội, căn cứ lõm nầy là nơi tổ chức xây dựng trận địa, bố trí lực lượng, phục kích, tập kích, đặt mìn đánh địch ở quốc lộ 1, kết hợp với lực lượng an ninh tiêu diệt nhiều ác ôn.... Những hộ dân ở Đình Đông đã kiên cường bám trụ, đóng góp sức người sức của cho cách mạng. Quanh ngôi đình nhỏ chỉ có bảy hộ dân đã có ba bà mẹ được Nhà nước phong tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng và 16 Liệt sỹ.

Chiến thắng Đình Đông là sự kiện lịch sử nối dài ở nhiều thời kỳ. Ngày 21/11/2005, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 4265/QĐ/UBND/2005, xếp hạng chiến thắng Đình Đông là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Ngôi miếu nhỏ Đình Đông - được dựng tạm sau ngày giải phóng để thờ tự tiền nhân, giờ đây bình yên giữa cánh đồng bát ngát, bên dòng sông Bà Rén trong xanh hiền hòa, ngày ngày chứng kiến người xe ngược xuôi, tấp nập trên quốc lộ 1 và con đường nối dài mang tên 3/2 ngang qua - nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Duy Xuyên. Tại địa điểm lịch sử này, địa phương đang phục dựng, tôn tạo di tích xưa để làm nơi tri ân tiền nhân và tôn vinh anh linh các chiến sỹ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, đặc biệt là các liệt sỹ của tiểu đoàn 9 Trung đoàn 31.

Năm 2020, khu di tích được nâng cấp san lấp mặt bằng và xây dựng bia tưởng niệm.

Tin mới
Thư viện Ảnh
select
Thống kê truy cập
  • Đang online: 20
  • Hôm nay: 50
  • Trong tuần: 326
  • Tất cả: 3728

ĐƠN VỊ CHỦ QUẢN: ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ NAM PHƯỚC - TP ĐÀ NẴNG

ĐỊA CHỈ: 468 HÙNG VƯƠNG, XÃ NAM PHƯỚC, TP ĐÀ NẴNG