Duy Xuyên là mảnh đất có lịch sử lâu đời, trải qua gần 600 năm mở mang bờ cõi trên đường Nam tiến. Nơi ấy, vẫn còn một di tích mang tên một vị tướng tài ba trong đoàn quân Nam tiến, theo chiếu dụ của vua Lê vào Nam bình Chiêm dẹp loạn. Đó là Chánh Đề đốc, Hùng Long hầu Lê Quí Công.
Di tich mộ Tiền Hiền Lê Quý Công
Theo lời kể của các cao niên trong làng, ngài Lê Quí Công còn có tên gọi là Lê Công Chung, không rõ năm sinh. Gia phả tộc họ con cháu của ông hiện sinh sống tại thành phố Hội An (Quảng Nam). Ông là một võ tướng quê ở làng Mỹ Xuyên, tỉnh Thanh Hóa, tham gia đoàn quân Nam tiến, theo chiếu dụ của vua Lê vào Nam bình Chiêm dẹp loạn. Ngoài công lao đánh giặc của một vị tướng tài ba, vị tiền hiền khai khẩn lập ấp, ông còn là vị quan trấn thủ đầu tiên của huyện Hy Giang triều Hồng Đức, đời vua Lê Thánh Tông, được phong chức Chánh Đề đốc, tước Hùng long hầu.
Vào thời hậu Lê, khoảng vào nửa sau thế kỷ XV, Chánh Đề đốc, Hùng long hầu Lê Quí Công là một võ tướng của triều đình, vâng mệnh vua đưa quân vào Nam để tăng cường sức mạnh quân sự vùng mới khai phá ở phương Nam, phụ trách suốt một miền đất dài từ phía Nam đèo Hải Vân đến tận kinh đô Đồ Bàn (Bình Định). Nhận thấy mảnh đất này có vị thế rất đẹp, một vị trí chiến lược quan trọng cả về mặt kinh tế, chính trị và quân sự, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Lê Quí Công chọn để an cư, lập nghiệp, qui dân lập ấp, lập thành xã, huyện. Đây là vùng đồng bằng được bồi đắp bởi phù sa sông Thu Bồn và các nhánh sông con bồi đắp làm nên một thị trấn Nam Phước trù phú, màu mỡ với đường giao thông thủy bộ vô cùng thuận lợi. Bên cạnh đó Nam Phước ngày nay còn là trung tâm của huyện, là tâm điểm giao lưu kinh tế, văn hoá với mọi miền. Cũng chính mảnh đất này ông đã chọn và khai khẩn 1.700 mẫu ta đất (850 mẫu tây) lập nên xã hiệu mới lấy tên là Mỹ Xuyên thuộc Thăng Hoa phủ, Hy Giang huyện, để ghi nhớ làng Mỹ Xuyên nơi quê hương của ông ở Thanh Hóa.
Từ mảnh đất 1700 mẫu ta, ông đã san sẻ cho dân đinh theo chế độ quân cấp. Một điều đáng ghi nhớ và trân trọng của Lê Quý Công là không sở hữu một mảnh đất tư điền, tư thổ nào. Cũng chính vì lẽ đó mà bao đời nay chư tộc làng Mỹ Xuyên sống yên vui nề nếp trong tình nghĩa cộng đồng xã hội, không có sự tranh chấp vị thế như nhiều nơi khác.
Hiện mộ Lê Quí Công tọa lạc tại khối phố Xuyên Đông, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam; sát với di tích đình Mỹ Xuyên Đông. Từ ngã ba Nam Phước, thẳng hướng Tây theo đường ĐT 610 hơn 2km, rẽ phải vào sân vận động Chợ Chùa, tiếp tục chạy thẳng về hướng Tây dọc theo bờ Bắc sông Đào thì đến di tích.
Mộ Lê Quí Công đã được trùng tu vào mùa Xuân năm Quý Sửu (1913), qua nhiều năm chiến tranh ác liệt, bị xuống cấp nặng. Để ghi nhớ công đức người xưa đã có công khai cơ lập ấp, theo đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, ước vọng tạo được cảnh quan trang trọng như xưa nơi yên nghỉ của tiền nhân, nhân dân làng Mỹ Xuyên cũ (nay là nhân dân hai thôn Xuyên Đông và Xuyên Tây) đã chung tay góp sức tu bổ lại mộ của tiền hiền Lê Quí Công.
Mộ có khuôn viên: dài 25m, rộng 8m, có tường rào cổng ngõ bao bọc, cách cổng 1m là bình phong trước có chạm trổ công phu, cách bình phong 2m là nhà bia mộ có một tấm bia đá khắc bằng chữ Hán được phiên âm:
Tiền hiền Chánh Đề đốc Hùng Long hầu Lê Quý Công chi thần vị.
Hai bên tấm bia có hai câu đối được phiên âm là:
Văn võ uyên thâm Hùng Long hầu hàm tước
Đức tài siêu việt Chánh Đề đốc sắc phong
Sau phần mộ là bình phong sau, có khắc hàng chữ: Lăng mộ ngài tiền hiền làng Mỹ Xuyên. Lê Quý Công tước Chánh Đề đốc, hàm Hùng Long hầu.
Hai bên có hai câu đối:
Bia đá nhớ ơn người sáng nghiệp
Lửa hương tưởng niệm bậc khai nguyên
Hiện lăng mộ của ông còn ghi lại cặp câu đối sau:
Hùng Long hầu uy danh quang tự cổ
Chánh Đề đốc sự nghiệp hiển vu kim.
Và:
Tào Lĩnh thiên trùng hổ bái long triều Hưng Phước địa
Hy Giang nhứt đới sa hoàng thủy nhiễu bảo tôn thần.
Mộ tiền hiền Lê Quý Công, người đã có công trong công cuộc khai phá và lập làng Mỹ Xuyên; Ông được triều đình phong tước Chánh Đề Đốc, Hùng Long Hầu và được dân làng thờ tại gian hữu trong chính điện đình làng Mỹ Xuyên Đông. Để ghi nhớ công sức đạo lý uống nước nhớ nguồn, mỗi độ Xuân Thu nhị kỳ hay ngày tết lễ đều được nhân dân thường xuyên hương khói và chăm sóc, trùng tu tôn tạo khá khang trang sạch đẹp.
Di tích mộ Tiền hiền Lê Quý Công
Lăng mộ ngài Lê Quí Công được UBND tỉnh Quảng Nam ban hành quyết định số 754/QĐ/UBND/2006, ngày 13/3/2006, xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.