Đoạn đường 104 từ ngã ba Nam Phước lên đến Cầu Chìm thuộc thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên, được coi là đoạn đường xung yếu. Từ 1947, sau khi Pháp tái chiếm Việt Nam, đường 104 trở thành con đường huyết mạch nối vùng Đông Duy Xuyên với các huyện vùng núi của tỉnh Quảng Nam. Đây cũng là tuyến đường trở thành chiến tuyến, bởi địch âm mưu muốn lấn sang vùng tự do phía Nam sông Thu Bồn và ta tấn công địch để bảo vệ phía Bắc của vùng tự do Khu 5. Nhằm khống chế đoạn đường quan trọng từ ngã ba Nam Phước đến Cầu Chìm, ngoài các trạm gác dọc đường, địch cho xây dựng cứ điểm Cầu Chìm hết sức kiên cố.
Ta quyết phá thế khống chế của địch. Trong cuộc phản công của chiến dịch Xuân Hè 1953, đêm 16/5/1953, trung đoàn 108 của ta cử một đơn vị nhỏ phối hợp với đại đội 28 nổ súng tiêu diệt đồn Cầu Chìm. Do bất ngờ, địch phản kháng yếu ớt; chỉ trong 30 phút, ta diệt 14 tên, bắt sống 6 tên; thu hai đại liên, hai súng cối 60 ly và sáu súng trường tự động.
Việc đánh tan đồn Cầu Chìm, Non Trượt là thực hiện phương án “đánh điểm diệt viện”. Ngay trong đêm đó, dọc đường 104 từ Cây Bàng đến Chợ Chùa ta đã triển khai hai tiểu đoàn 79 và 19 cùng với một trung đội của đại đội 28 tổ chức đội hình phục kích. Trận địa bố trí xong, bộ đội vào vị trí sẵn sàng xung phong trước 4 giờ sáng ngày 17/5/1953. Ở cánh khác, một trung đội của đại đội 28 chờ sẵn hướng sông Thu Bồn đón lõng đại đội quân ngụy từ đồn Phú Bông (Điện Bàn) vượt sông sang tăng viện.
Theo kế hoạch, địch bố trí một bộ phận chủ lực dùng khí tài phóng đạn cối 60mm phục kích ở phía bắc đường 104, trên không có máy bay Moranne dẫn đường đoàn xe tiếp viện của địch từ Đà Nẵng vào.
Lệnh cấp trên ban ra không được nổ súng vào quân địch khi chúng đang lùng sục, trong trường hợp phát hiện thì chỉ được bắt sống. Lúc này, bộ đội ta ngụy trang hết sức kín đáo, bí mật và an toàn. Trên trục đường 104 từ Trà Kiệu đến Nam Phước, địch đã nhiều lần rải lân tinh cả chất hóa học làm cho cây cối ở dọc đường bị trơ trụi.
Sau khi lùng sục và quan sát không thấy gì, địch mới cho đoàn xe hơn 30 chiếc, trong đó có cả xe rà mìn, xe Jeep, xe thông tin và xe GMC chở đầy lính ào ào tiến quân từ ngã ba Nam Phước về hướng Cầu Chìm và Non Trượt. Chờ cho đoàn xe của địch lọt vào giữa trận địa phục kích của ta, lệnh tấn công được phát ra, bộ đội đồng loạt nổ súng. Cả đoàn xe địch trong phút chốc đã bị khựng lại dưới mưa đạn của ta. Bị chặn đánh bất ngờ không kịp trở tay, địch bỏ chạy tán loạn trên đường, hoặc nấp bên vệ đường làm bia cho những tay súng của ta.
Trận đánh diễn ra chưa đầy một tiếng đồng hồ ở cả hai cánh. Kết quả ta diệt hơn 300 tên, bắt sống 121 tên, bắn cháy 21 xe các loại, bắn rơi một máy bay, thu hai cối 81mm, hai trung liên và sáu súng trường.
Chiến thắng đường 104 (đoạn từ ngã ba Nam Phước lên đến Cầu Chìm) là điển hình về cách “đánh điểm, diệt viện”, làm nức lòng quân dân, góp phần đẩy nhanh cục diện chiến trường, góp phần chia lửa với chiến trường Liên Khu 5, dẫn đến toàn thắng sạch bóng quân Pháp xâm lược vào năm 1954.
Chiến thắng đường 104 được UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 754/QĐ/UBND ngày 13/3/2006 xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.
Ngày nay để thuận tiện giao thông trong thời đại mới, một cây cầu lớn cao, rộng đã bắc ngang qua sông. Từ hộ lan phía nam cầu nhìn xuống sông, ta thấy còn dấu vết một đoạn đường Cầu Chìm, để liên tưởng đến cả đoạn đường 104 (nay là đường quốc lộ 14 H), nơi từng diễn ra những trận chiến ác liệt không chỉ trong chiến tranh chống Pháp mà còn cả trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Từ tiềm thức sâu xa, còn vọng lại những hình ảnh khói lửa, những tấm gương hy sinh oanh liệt, những hình bóng hào hùng của lớp lớp người yêu nước.
Ngày nay, cây cầu mới vẫn mang tên Cầu Chìm nối con đường thênh thang, đầy cây xanh bóng mát mang tên quốc lộ 14 H đang đưa quê nhà chúng ta tiến vào kỷ nguyên phồn vinh, hạnh phúc.
Năm 2020, Phòng Văn hóa và thông tin huyện Duy Xuyên phối hợp với địa phương thị trấn Nam Phước xây dựng bia di tích lịch sử cách mạng để tôn vinh chiến tích năm xưa và ghi dấu địa điểm lịch sử nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ tại địa phương.