image banner
Di tích: Nhà thờ Tiền hiền Long Xuyên
Lượt xem: 13

Làng cũ Long Xuyên còn có tên gọi khác là làng Long Phước. Vị tiền hiền khai sáng ra làng Long Phước là trưởng tử họ Hà, quê ở Ái Châu (Thanh Hóa).

anh tin bai
Nhà thờ Tiền hiền Long Xuyên

Theo con đường Nam tiến của tiền nhân, ông đã vào đây lập nên làng Long Phước. Do diện tích nhỏ hẹp nên làng Long Phước chưa được công nhận là một xã. Nhìn tổng thể, địa giới của làng có hình tròn với tâm là xóm Trung An; xung quanh có các xóm Long Châu Đông, Long Châu Tây, Triều Dương, Phù Sa. Phía bắc của làng được bao bọc bởi con sông đào có từ thời Minh MạngĐịa danh Long Phước tồn tại trên vài trăm năm, cho đến năm Ất Hợi (1935) dưới thời Bảo Đại thì đổi tên thành Long Xuyên.

Di tích nhà thờ tiền hiền Long Xuyên là một quần thể kiến trúc lớn, tọa lạc trên khu vườn có diện tích 3.000 m2, mặt hướng về phía Nam, có cánh đồng rộng lớn được bồi đắp bởi phù sa sông Bà Rén. Quần thể kiến trúc gồm bốn sở tự: Đình thờ Thành hoàng và các vị thần được sắc phong; Nhà thờ tiền hiền thờ vị tổ khai sáng cùng 52 tổ chư tộc; miếu Thần Nông cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi; miếu Ngũ Hành thờ các phương vị tiện nghi bách nghệ. 

anh tin bai
Toàn cảnh DT Nhà thờ Tiền hiền Long Xuyên

Theo lời kể của các cụ cao niên, di tích trước đây có đủ tam quan và được xây bằng vôi gạch. Trên cổng tam quan có bảng đá khắc bốn chữ Hán: “Địa linh nhân kiệt”, tầng dưới có dòng chữ “Long Phước đình môn”. Cách 20 mét về phía tay phải là miếu Thần Nông; bên tay trái là bình phong cổ; đối diện là miếu thờ Thành Hoàng.

Toàn bộ khung mái nhà thờ tiền hiền này được đặt trên một hệ thống cột gỗ nhỏ có kích thước đường kính tối đa là 20 cm. Mặt cắt dọc của ngôi nhà gồm có bảy hàng cột, ba gian, hai chái. Mặt cắt ngang được tăng phần cột hiên đến bảy hàng cột, vì vậy tổng số là 49 cột. Mỗi cột được kê trên chân táng tròn bằng đá tảng hình vuông. Với số cột như vậy dẫn đến kết cấu bộ vị có số kèo tăng lên là kèo lòng bốn hay tứ đoạn gần với sự phân bổ chung của các nhà cổ vùng đồng bằng. Mặc dù có nhiều cột và tăng số kèo nhưng khoảng cách các cột khá ngắn. Đàng thứ nhất chỉ 1,6 mét, nhỏ nhất chỉ 0,58 mét. Vị trí hai kèo bắt chéo nhau ở phần nóc được thiết kế theo kiểu thức kèo giao nguyên. Điều đặc biệt là không có trụ trốn, không có đằng Đông hạ nên không giống với một số công trình kiến trúc cổ ở Quảng Nam. 

Niên đại xây dựng được khắc ở vị trí mặt trước của cây xuyên bông thượng. Câu khắc chữ Hán có nội dung: “Cảnh Hưng thập niên, tuế thứ Kỷ Tỵ niên, ngũ nguyệt, nhị thập tứ nhật, Long Phước Đông Tây Trung An thượng thôn, chư tộc phái đồng phụng tạo” Tạm dịch: (Năm Kỷ Tỵ đời Cảnh Hưng thứ 10, ngày 24 tháng 5, toàn tộc phái các nơi ở Long Phước thôn Trung An Thượng cùng xây dựng). Trên hai thân cột của gian giữa có treo hai tấm liễn gỗ chữ Hán khắc lõm mạ đồng với nội dung: Chung cổ phong quan Hồng Lĩnh Bắc; Kỷ trùng ba đống Hải Vân Nam. Tạm dịch: Bắc Hồng Lĩnh phong quan chuông trống/ Nam Hải Vân sóng động muôn nơi. Ý nghĩa của hai câu này cho chúng ta biết người của làng cổ này có nguồn gốc từ Bắc Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đã vào Nam Hải Vân lập nghiệp. Toàn bộ khung nhà trông rất đơn giản nhưng đặc biệt phần đầu và đuôi kèo được chạm khắc công phu, nhờ các kỹ thuật bào, xoi, đẽo uốn lượn các gờ của những thợ mộc Kim Bồng.

Chiến tranh đã phá hủy nhiều công trình của khu kiến trúc. Di tích còn sót lại cho đến nay là nhà thờ tiền hiền được xây dựng theo hình chữ Nhất. Mái lợp ngói âm dương, trên nóc được phục hồi lại hai con rồng chầu trăng. Trong và sau chiến tranh, nhà thờ tiền hiền đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo. 

anh tin bai
Toàn cảnh DT nhà thờ Tiền hiền Long Xuyên nhìn hướng Đông Bắc

Lần trùng tu thứ nhất vào năm 1957 một số hạng mục nhưng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, di tích tiếp tục bị tàn phá nặng nề. Sau ngày giải phóng miền Nam năm 1975, di tích chỉ còn lại nền và thành của miếu Thần nông, miếu Thành hoàng. Riêng phần tam quan chỉ còn lại cổng vào ở giữa với hai trụ gạch vôi. Lần trùng tu thứ hai vào năm 1991 gồm các hạng mục mái, nóc, tường nhà và thay sửa một số cấu kiện nhỏ. Lần này qui mô lớn hơn bởi nâng nền nhà thờ chính, thay rui, mè, ngói, tứ lân, thay trụ gỗ hỏng, nâng nền sân…Ngày 20/10/2015, di tích tiếp tục được trùng tu lần thứ ba, kéo dài gần tám tháng, cho đến ngày 25/6/2016 thì khánh thành. 

Quần thể kiến trúc nhà thờ tiền hiền Long Xuyên có ý nghĩa sâu sắc, nằm trên vùng đất địa linh nhân kiệt, là công trình được xây dựng khá sớm ở vùng Quảng Nam nói chung và huyện Duy Xuyên nói riêng. Đây cũng là nơi ghi dấu mốc lịch sử của các tiền nhân làng cũ Long Xuyên - mảnh đất đã sản sinh ra những bậc tiền bối khai khoa học vị trong huyện, trong tỉnh. 

Nhà thờ tiền hiền Long Xuyên được UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 436/QĐ-UBND ngày 15/02/2005 xếp hạng di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.

 

 
Tin mới
Thư viện Ảnh
select
Thống kê truy cập
  • Đang online: 14
  • Hôm nay: 75
  • Trong tuần: 351
  • Tất cả: 3753

ĐƠN VỊ CHỦ QUẢN: ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ NAM PHƯỚC - TP ĐÀ NẴNG

ĐỊA CHỈ: 468 HÙNG VƯƠNG, XÃ NAM PHƯỚC, TP ĐÀ NẴNG