image banner
Tuyến Đường Bùi Tấn Diên – Tôn Đức Thắng
Lượt xem: 7

Tuyến Đường Bùi Tấn Diên – Tôn Đức Thắng

Tuyến Đường Bùi Tấn Diên

Địa Điểm: 

Thị trấn Nam Phước 

Lý Trình:

Sông Bầu Vân đến Trung tâm thương mại

Tóm tắt tiểu sử nhân vật: 

Người theo vua Lê Thánh Tông mở mang bờ cõi về phương Nam (năm 1471); có công khai phá vùng đất phía Tây huyện Duy Xuyên.

Tiểu sử nhân vật: 

Bùi Tấn Diên quê ở Nghệ An, cho đến nay vẫn không rõ ông sinh và mất năm nào, chỉ biết ông sống vào khoảng nửa cuối thế kỷ 15 dưới triều Lê Thánh Tông. Ông đã theo đoàn quân nam tiến của vua Lê vào Quảng Nam, khai phá vùng đất mới, lập ra làng Vĩnh Trinh.

Huyện Duy Xuyên, trước có tên là huyện Hy Giang thuộc phủ Thăng Hoa nguyên là đất Chiêm động của Chiêm Thành. Thời nhà Hồ, sau khi lên ngôi năm 1402 Hồ Hán Thương đã đem đại binh vượt qua Hải Vân đánh thắng quân Chiêm, chiếm Chiêm Động và Cổ Lũy mở rộng biên cương đến Quảng Ngãi. Nhà Hồ chia hai động này thành 4 châu: Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, đặt An phủ sứ và Phó sứ lộ Thăng Hoa để cai trị. Họ Hồ hạ lệnh cho dân không có ruộng ở Nghệ An, Thuận Hóa đem vợ con vào ở để khai khẩn, dân ấy phải thích hai chữ tên châu mình trên cánh tay cho khỏi bỏ trốn. Những người có trâu đem nộp thì được ban phẩm tước để lấy trâu cấp phát cho dân cày. Nhưng chủ trương di dân của nhà Hồ không được lâu dài, chỉ 4 - 5 năm sau quân Minh nấp dưới chiêu bài phù Trần diệt Hồ sang đánh nước ta, Chiêm Thành nhân cơ hội đó cấu kết với quân Minh lấy lại đất ấy và phần lớn những di dân người Việt vào đây đã phải theo Nguyễn Lỗ trở về Thuận Hóa.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm Tân Mão (1471) vua Lê Thánh Tông thân chinh, bình Chiêm thắng lợi, đổi Thăng Châu, Hoa Châu thành ba huyện Hà Đông, Hy Giang và Lê Giang thuộc phủ Thăng Hoa; Tư Châu, Nghĩa Châu thành ba huyện Bình Sơn, Nghĩa Giang và Mộ Hoa, thuộc phủ Tư Nghĩa. Chia đất cũ của Chiêm Thành là Đồ Bàn thành ba huyện Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn, thuộc phủ Hoài Nhơn, đặt ba phủ rồi đưa tù nhân ba loại bị tội đồ tới đây để làm “đầy biên giới. Với chiến thắng này, vua Lê không những thực hiện được ý định khôi phục bốn châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, chấm dứt nạn binh đao, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân, mà còn mở rộng biên cương đến miền Vijaya, tức là phủ Hoài Nhơn (ngày nay là Bình Định). Tháng 6 năm 1471, vua Lê Thánh Tông lấy ba phủ Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn lập thành đạo thứ mười ba là Quảng Nam Thừa tuyên đạo, sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt, đặt chức Án sát ở 12 thừa tuyên và đặt 3 ty (Đô ty, Thừa ty, Hiến ty) ở Quảng Nam. Danh xưng Quảng Nam ra đời từ đó.

Khác với lần di dân trước dưới thời nhà Hồ, lần này khi di dân Việt đến thì người Chiêm không rời bỏ quê hương ra đi vì họ biết rằng đất đai phía nam không màu mỡ bằng nơi mình đang sinh sống và họ cũng không còn hy vọng lấy lại đất đã mất nên chấp nhận lệ thuộc Đại Việt. Cuộc di dân dưới thời Lê Thánh Tông vô cùng quan trọng vì giúp người dân yên ổn làm ăn, không còn nơm nớp lo sợ người Chiêm đến cướp phá như ở Thuận Hóa trước kia. Sau khi lập đạo Thừa tuyên Quảng Nam, vua Lê Thánh Tông đã giao cho Phạm Nhữ Tăng cai quản vùng đất biên cương mới mở của Đại Việt với chức Quảng Nam Thừa tuyên Đô thống, Thái úy Trình quốc công Nguyễn Đức Trung làm Đô ty Thừa tuyên Quảng Nam và cử các tướng Nguyễn Văn Lang, Lê Tấn Triều, Lê Tấn Trung là những vị tướng tài ba đã từng theo vua bình Chiêm, ở lại khai hoang lập ấp, di dân đến sinh cơ lập nghiệp ở vùng đất mới này.

Trong chiến dịch này, từ đất Hoan Châu (Nghệ An), Bùi Tấn Diên theo đoàn quân nam tiến của vua Lê Thánh Tông giữ nhiệm vụ vừa đồn thủ vừa khai phá những vùng đất mới thu phục được. Bùi Tấn Diên và con trai là Bùi Tấn Trường đã ở lại bờ nam của sông Thu Bồn cùng với đoàn di dân trải qua bao gian khổ khai khẩn đất đai lập nên 6 thôn: Lệ Trạch, Vĩnh Trinh, Thanh Châu, Cổ Tháp, Cù bàn, An Lâm.

Ngay khi mới lập ra làng xã, Bùi Tấn Diên và Bùi Tấn Trường cùng cư dân lục thôn đã dựng Đình Châu để làm nơi sinh hoạt chung của 6 thôn. Ban đầu đình dựng bằng tranh, lâu năm bị hư hỏng đến năm Cảnh Hưng thứ 15 (1754) mới được tái thiết và dựng bia kỷ niệm.

Bùi Tấn Diên không những đã có công lớn trong sự nghiệp khai khẩn, mở mang huyện Duy Xuyên, biến vùng đất biên cương mới thu phục thành làng mạc trù phú mà ông còn là thủy tổ của một dòng tộc có lắm nhân tài thành công trên nhiều lĩnh vực.

 

 

 

 

Tuyến Đường Tôn Đức Thắng

Địa Điểm: 

Thị trấn Nam Phước 

Lý Trình:

Đường Điện Biên Phủ đến

Tóm tắt tiểu sử nhân vật: 

Nhà cách mạng; nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, Trưởng ban Thường trực Quốc hội; Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tiểu sử nhân vật: 

Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Bí danh: Thoại Sơn, sinh ngày 20–8-1888, tại làng Mỹ Hòa Hưng, Thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Thân phụ tên là Tôn Văn Đề, thân mẫu tên là Nguyễn Thị Di. Thành phần gia đình xuất thân: Nông dân.

Trong các năm từ 1906 – 1909, Bác Tôn học tại Trường Kĩ nghệ Viễn Đông. Sau đó, Bác làm công nhân ở Nhà máy Ba Son của Hải quân Pháp ở Sài Gòn và đã từng tổ chức, lãnh đạo công nhân bãi công năm 1912 ở Sài Gòn. Năm 1914, Bác bị bắt lính sang Pháp và làm thợ máy cho một đơn vị Hải quân Pháp. Ngày 19/4/1919, Bác Tôn tham gia cuộc khởi nghĩa Hắc Hải của hải quân Pháp bảo vệ cách mạng Tháng Mười Nga. Tại đây Bác là người treo cờ đỏ trên chiến hạm để ủng hộ cách mạng Nga.

Năm 1920, Bác về nước, lập ra Công hội bí mật ở Sài Gòn; vận động công nhân đấu tranh, tiêu biểu là cuộc bãi công của công nhân Ba Son (tháng 8 năm 1925). Năm 1927, Bác tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Ủy viên Ban Chấp hành Kỳ bộ Nam Kỳ. Năm 1928, Bác bị thực dân Pháp bắt ở Sài Gòn, kết án 20 năm tù khổ sai, đày ra Côn Đảo (1930-1945). Tại nhà tù Côn Đảo, Bác Tôn đã chính thức trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (1930) và luôn tham gia chi uỷ của chi bộ bí mật trong nhà tù Côn Đảo.

Sau cách mạng Tháng Tám 1945, Bác Tôn Đức Thắng được tự do. Người trở về Nam Bộ tham gia kháng chiến. Bác từng giữ những chức vụ quan trọng: Bí thư Xứ ủy Nam Bộ (1945), Phó ban Thường trực Quốc hội (1946-1955), Trưởng ban Trưởng ban Thường trực Quốc hội (1955-1960) tương đương Chủ tịch Quốc hội sau này. Bác Tôn là Đại biểu Quốc hội liên tục từ khóa Iđến khoá VI, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ khóa II đến khóa IV.  

Về chính quyền, Bác là Bộ trưởng Bộ Nội vụ (1947); Thanh tra đặc biệt toàn quốc (tháng 8 năm 1947), Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1960-1969), Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sau này là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (1969-1980). 

Về đoàn thể, Bác là Phó hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (1946-1951), Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Mặt trận Liên Việt (1951-1955), Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1955-1977), Chủ tịch danh dự Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1977-1980).

Bác mất ngày 30-3-1980, thọ 92 tuổi, trên cương vị Chủ tịch nước. Bác Tôn được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng năm 1958, nhân dịp tròn 70 tuổi và là người đầu tiên được tặng Huân chương này. Tên Bác được đặt cho một đường phố ở thành phố OdessaUkraina vì liên quan đến sự kiện phản chiến ở Hắc Hải. Thành phố Long Xuyên - quê hương Bác Tôn được vinh dự mang tên Bác - thành phố Tôn Đức Thắng (thành phố Bác Tôn).

 

Tin mới
Thư viện Ảnh
select
Thống kê truy cập
  • Đang online: 12
  • Hôm nay: 69
  • Trong tuần: 345
  • Tất cả: 3747

ĐƠN VỊ CHỦ QUẢN: ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ NAM PHƯỚC - TP ĐÀ NẴNG

ĐỊA CHỈ: 468 HÙNG VƯƠNG, XÃ NAM PHƯỚC, TP ĐÀ NẴNG