NAM PHƯỚC - 30 NĂM HÀNH
TRÌNH PHÁT TRIỂN
Nam Phước ( trước đây là xã Duy
An) là một thị trấn đồng bằng, nằm ở vị trí trung tâm huyện Duy Xuyên, cách
Thành phố Tam Kỳ về phía Nam 35 km, cách
thành phố Đà Nẵng 30 km về phía Bắc, cách Di sản văn hoá thế giới Mỹ Sơn về hướng
Tây 25 km và Hội An về hướng Đông Bắc 20km.
Nhìn từ trên cao, thị trấn như một ốc đảo, bốn mặt đều có sông
bao bọc. Phía Bắc là sông Thu Bồn, phía Tây là sông Cầu Chìm, phía Nam là sông
Bà Rén, phía đông là sông Đào và do vậy từ bên ngoài vào thị trấn Nam Phước có 9 cây cầu lớn
như bức tranh phong thuỷ “Cửu long tranh châu” ( 2 cầu
Câu Lâu, 2 cầu Bà Rén, Cầu Tân Tây, Cầu máng Phước Mỹ , 2 cầu Chìm, cầu Gò Nổi)
Thị trấn có tổng diện tích tự nhiên 15,46 km2,
nằm trên trục đường QL 1A, quốc lộ 14H, tỉnh lộ 610 B, là trung tâm kinh tế - văn hoá của huyện Duy
Xuyên, cửa ngỏ giao lưu thuận lợi từ Bắc vào Nam. Đến thời điểm hiện nay, toàn thị trấn Nam Phước
10 khối phố với trên 7.000 hộ và gần
30.000 nhân khẩu thường trú, ngoài ra có từ 3000 đến 4000 người tạm trú
dài hạn đến làm việc trên địa bàn (Số liệu đến thời điểm hiện tại ). Số hộ thuần nông chiếm gần 15%, còn lại trên
85% số hộ sống bằng nghề dịch vụ, công nghiệp và ngành nghề khác. Đây là thế mạnh
trong quá trình giao lưu phát triển KT - XH của thị trấn và là điều kiện, cơ hội
rất lớn để Nam Phước đấy mạnh thương mại, dịch vụ ; tập trung huy động tốt nhiều nguồn lực và sử dụng có hiệu
quả các nguồn lực để đẩy mạnh quá trình phát triển KT-XH, QPAN theo hướng đô
thị hóa có chất lượng, phấn đấu xây dựng nâng tầm chất lượng đô thị loại IV vào
năm 2025 và tiếp tục hoàn thiện các chỉ tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh
thần của nhân dân, giữ vững ANCT - TTATXH; tạo dựng môi trường đô thị văn minh,
sạch đẹp và thân thiện.
Nhân dân thị trấn luôn có tinh thần yêu quê hương, đất nước, khát vọng vươn lên mãnh liệt trên chính
mảnh đất thân yêu của mình. Ngoài ra, do phải thường xuyên đương đầu với hoàn
cảnh khắc nghiệt của thời tiết , gian khổ trong cuộc sống nên đã tạo cho người dân ở đây một truyền
thống tốt đẹp về bản lĩnh kiên cường, tinh thần cần cù, tháo vát trong lao
động, hiếu học và nhạy bén tiếp thu cái mới, giản dị, chân thật, đoàn kết tương
trợ lẫn nhau trong cuộc sống. Đặc biệt, người dân thị trấn - dù trải qua bao
biến đổi thăng trầm của thời cuộc, lúc khó khăn, khổ nhọc cũng như khi tạo dựng
được cuộc sống tốt đẹp hơn – vẫn giữ được lòng bao dung đặc hữu của mình, sẵn
sàng dang tay giúp đỡ những hoàn cảnh
khó khăn, bảo bọc, nâng đỡ những người
yếu thế trong xã hội bất kể đó là ai. Nam Phước
luôn là điểm đến đầy tình thương, trách nhiệm và tinh thần nhân văn cao
cả.
Sau
ngày quê hương giải phóng, Đảng bộ và nhân dân thị trấn đã vượt qua muôn ngàn khó khăn trở ngại, khai
hoang phục hóa, phá gỡ bom mìn, đưa dân về làng cũ, khôi phục kinh tế, ổn định
đời sống tinh thần và vật chất cho nhân dân. Từ đó qua từng năm, Nam Phước đã
có những thay đổi tích cực . Kinh tế có những bước phát triển , đời sống vật
chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên đáng kể . ...Tuy nhiên so với tiềm
năng và thế mạnh của mình và đặc biệt là so với yêu cầu phát triển thì những
kết quả đạt được đến thời điểm năm 1994 vẫn còn chưa tương xứng và chưa đáp ứng
được nguyện vọng chính đảng của nhân dân . Cần thẳng thắn nhìn nhận rằng : Việc xây dựng và
phát triển quê hương như mong muốn của
các bậc tiền bối đi trước và của toàn thể nhân dân vẫn còn những điều chưa thực sự hài lòng.
Nhìn lại những đô thị chung quanh như Vĩnh Điện , Hà Lam, Aí Nghĩa và các đô
thị khác trong toàn tỉnh, nhân dân và
cán bộ thị trấn không khỏi chạnh lòng, tự hỗ thẹn với chính mình và hỗ thẹn với những người đã hy
sinh xương máu cho mảnh đất anh hùng này .
Ngày 29 tháng 8 năm 1994, thị trấn Nam Phước được
thành lập theo Nghị Định số 102/CP của Chính Phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam với diện tích tự nhiên là 15,46 km2, dân số 20 nghìn người
trên cơ sở xã Duy An trước đây.
Tại thời điểm lúc bấy giờ, quy mô nền kinh tế thị
trấn còn rất nhỏ bé, hầu hết nhân dân Nam Phước chủ yếu sống bằng nông nghiệp,
cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn rất sơ khai. Toàn thị trấn chỉ có 02 tuyến đường nhựa
chạy ngang và dọc thị trấn là quốc lộ 1A và đường ĐT 610, các tuyến giao thông
còn lại toàn là đường đất. So với các thị
trấn lân cận Nam Phước còn kém quá xa và lạc hậu về mọi mặt.
Từ xuất phát điểm thấp như đã nói trên, với mong muốn
và kỳ vọng xây dựng, phát triển thị trấn vươn lên sánh ngang với các thị trấn bạn,
Đảng bộ và nhân dân thị trấn Nam Phước đã nỗ lực không ngừng nghĩ, từng bước vượt
qua khó khăn, trở lực ngăn cản sự phát triển, đoàn kết, đồng lòng, tranh thủ và
tận dụng mọi thời cơ, thuận lợi có được trên để hoạch định chiến lược, kế hoạch
phát triển trong từng giai đoạn.
Ngay sau khi thành lập, Đại Hội Đảng bộ thị trấn Nam Phước nhiệm kỳ
1994-1996, đã xác định phương hướng: “ Phát huy những thành tích đã đạt được, nhanh
chóng ổn định tư tưởng và tổ chức trong Cán bộ, Đảng viên và Nhân dân, tập
trung khai thác mọi tiềm năng về đất đai, lao động, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp
đi đôi với phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Từng bước
đi lên sản xuất hàng hóa theo cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, ổn định và cải
thiện đời sống nhân dân, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội…”.
Với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực vượt bậc, với
lòng tự tôn và tinh thần đoàn kết thống nhất, nhân dân Nam Phước đã không ngại
khó khăn , thử thách bước vào thời kỳ xây dựng và phát triển quê hương với một tâm thế và khát vọng mạnh mẽ. Đến nay, sau 30 năm thành lập, thị trấn Nam
Phước đã có bước chuyển mình và vươn dậy mạnh mẽ, đáp ứng được sự kỳ vọng và
mong muốn chính đáng của các tầng lớp nhân dân.
30 năm, từ một thị trấn nghèo, nông nghiệp, Nam Phước
đã vươn mình trở thành một đô thị trẻ, sinh động , có tốc độ đô thị hoá nhanh
song song với việc đảm bảo chất lượng đô thị và đời sống nhân dân, được sự quan
tâm của nhiều giới nhiều ngành.
Quy mô nền kinh tế tăng cao, giá trị sản xuất của nền
kinh tế năm 2023 tương đương 4500 tỷ đồng, cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch mạnh
với ngành kinh tế chủ đạo là dịch vụ chiếm
tỷ trọng hơn 2/3 tổng giá trị sản xuất
toàn nền kinh tế . Kinh tế nông nghiệp từng
bước bị thu hẹp (chỉ chiếm 1-1,5% giá trị sản xuất trong tổng giá trị sản xuất )
nhưng vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 2,5%/năm trong suốt thời
gian qua.
Công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng
kỹ thuật đô thị được quan tâm. Tháng 11/2012, quy hoạch chung (tổng thể) của thị
trấn được tỉnh phê duyệt và ban hành là cơ sở để Nam Phước xúc tiến triển khai
thành công nhiều dự án quan trọng về phát triển đô thị trong thời gian qua và chính
các dự án này đã thực sự làm thay đổi khá nhanh và tích cực diện mạo của thị trấn.
Có thể khẳng định : Khu phố chợ Nam Phước và chợ Nam Phước là một
trong những điểm nhấn đẹp, mạnh mẽ có sức thu hút lớn và là một trong những dự
án được xem là thành công nhất của Tỉnh trong bức tranh toàn cảnh về diện mạo đô thị
Nam Phước. Bên cạnh đó, khu đô thị thương mại Đông Cầu Chìm và chợ Huyện, khu
dân cư Xuyên Tây được hình thành đã tạo
nên một cực phát triển về phía Tây của
thị trấn và trở thành một chỉnh thể đồng bộ trong sự phát triển chung, hài hoà của thị trấn thời gian đến. Ngoài ra, các dự án: khu đô thị
Tây Khương, khu tái định cư Châu Hiệp đã triển khai thực hiện, sớm hoàn thành
và sẽ đưa vào sử dụng; sẽ là động lực để địa phương sớm hoàn thành mục tiêu quy
hoạch các khu đô thị.
Bên cạnh đó, thị trấn đã phối hợp cùng huyện và các
nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ các khu đô thị
khác trên địa bàn như khu đô thị Mỹ Hòa,
Bình An, khu phức hợp thương mại thể thao Tây khu phố chợ, khu đô thị phía đông
nam Nam Phước ( 46 ha) và khu đô thị cảnh quan dọc sông Đào để tranh thủ triển
khai trong thời gian đến khi có thời cơ và điều kiện.
Về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhưng
năm qua, Nam Phước luôn xác định ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông với quan
điểm : Có hệ thống giao thông thuận lợi
sẽ là động lực mạnh mẽ cho sự phát triển. Từ cách đặt vấn đề và tiếp cận như vậy,
ngay sau khi quy hoạch chung được ban hành đầu năm 2013, trong vòng 04 năm từ
2015 đến 2019, thị trấn đã tiến hành tổ chức dồn điền, đổi thửa kết hợp quy hoạch
thị trấn với tổng diện tích đất sản xuất là 270 ha. Trong đó, đã vận động nhân dân hiến
gần 22 ha đất sản xuất để quy hoạch hệ thống giao thông khung theo quy hoạch
chung của thị trấn: như các trục Bắc
Nam, trục Đông Tây , các trục đường chính và các trục nội bộ đô thị trên địa
bàn để tranh thủ khi có nguồn vốn đầu tư thì có ngay mặt bằng để thi công .
Song song với việc quy hoạch hệ thống đường sá theo quy hoạch , được sự quan
tâm của cấp trên, Nam Phước đã tích cực vận động nhân dân hiến đất,tưởng rào, cổng
ngõ, vật kiến trúc, thậm chí nhà cửa để mở rộng, nâng cấp, nhựa hoá, bê tông
hoá đường giao thông đô thị. Phong trào
nhân dân hiến đất, di dời tường rào, cổng ngõ làm đường tại thị trấn Nam Phước
đang là một điểm sáng, là minh chứng
hùng hồn cho khát vọng xây dựng thị trấn giàu đẹp của nhân dân và đã thể hiện sự
đồng thuận xã hội cao trong xây dựng, phát triển của thị trấn.
Từ một thị trấn chỉ có 02 tuyến đường nhựa, các tuyến
đường còn lại là đường đất 30 năm trước, đến nay thị trấn Nam Phước đã có 108
đường có tên, số nhà trong đó có 45 tuyến đường nhựa, 63 đường bê tông có chiều
rộng mặt đường từ 5,5m đến 7,5m. Các tuyến giao thông nội thị còn lại đều được
bê tông hóa và đang tiếp tục mở rộng theo đề án giao thông của huyện dự kiến sẽ
hoàn thành trong thời gian sớm nhất .
Để thực hiện được mục tiêu về mở rộng và nâng cấp hệ
thống giao thông, trong 45 tuyến đường được nhựa hoá như đã nói trên, có 11 tuyến đường nhựa liên khối phố được thực hiện theo cơ chế nhân dân
hiến đất, di dời tường rào, cổng ngõ để
bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công với tổng diện tích đất đã hiến gần 8 ha (6 ha đất ở đô thị , 02 ha đất
nông nghiệp) và gần 1600 hộ, mỗi hộ bình
quân 25 triệu đồng trong di dời tường
rào, cổng ngõ. Bên cạnh đó với hơn 15 km đường giao thông nội thị được mở rộng
nâng cấp, bê tông hoá ( có chiều rộng mặt
đường từ 5,5m-7,5 m) phải thực hiện di dời, tường rào cổng ngõ thì sự hy sinh đóng góp của toàn thể nhân dân
là rất lớn và xứng đáng được tri ân, ghi nhận
Ngoài các hệ thống giao thông, các công trình phục
vụ sản xuất, dân sinh phúc lợi, hệ thống trường lớp, trang thiết bị y tế… cơ bản
hoàn chỉnh và đồng bộ theo quy chuẩn của một đô thị loại IV nhằm phục vụ tốt
cho cho nhu cầu sản xuất , sinh hoạt và đời sống nhân dân.
Về phát triển kinh tế: Kinh tế thị trấn có cơ cấu Dịch
vụ - công nghiệp – nông nghiệp, trong đó dịch vụ phát triển mạnh, hiệu quả
trong những năm qua mang lại giá trị lớn trong cơ cấu giá trị toàn ngành và thu
nhập bình quân của người dân.
Trên địa bàn thị trấn có mặt hầu hết
các định chế tài chính lớn của đất nước gồm 12 chi nhánh ngân hàng thương mại,
8 chi nhánh bảo hiểm và các chi nhánh của các tập đoàn, tổng công ty lớn . Các
dịch vụ: vận tải, khách sạn, y tế ... ngày càng phát triển. Thị trấn có 4 chợ lớn (chợ Nam Phước có trên 600 tiểu
thương, chợ đầu mối nông sản cung ứng hàng hóa nông sản cho các tỉnh khu vực
trung Trung bộ, chợ huyện với gần 300 hộ
tiểu thương, chợ Đình với gần 200 tiểu thương hoạt động) và 4 chợ nhỏ khác là nơi giao lưu buôn bán với nhân dân khắp
nơi trên toàn tỉnh và các khu vực lân
cận khác. Thị trường bất động sản ( nhà đất ) hoạt động sôi nổi, hàng năm có
trên 1200 giao dịch liên quan đến
đất đai. Gía nhà đất tại thị trấn ở mức
rất cao so với mặt bằng chung toàn tỉnh .
Các hoạt động trên lĩnh vực Công
nghiệp- Xây dựng có nhiều chuyển biến
tích cực với việc mở rộng quy mô sản xuất cùng với sự đầu tư, thành lập của một
số doanh nghiệp trên địa bàn. Thị trấn là địa phương có ngành dệt vải truyền thống phát triển từ rất lâu và đặc
biệt có nghề trồng dâu , nuôi tằm , ươm tơ , dệt lụa gắn với làng nghề Mã Châu
. Thương hiệu LỤA Mã Châu nổi tiếng cả
trong và ngoài nước sau một thời gian mai một do thị trường biến động nay được
khôi phục và phát triển lại trong những năm gần đây .
Kinh tế nông nghiệp tiếp tục
phát triển trên cơ sở nâng cao chuỗi giá trị và hình thành các chuỗi liên kết
cung ứng sản phẩm, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao,
thực hiện cơ giới hóa trong các khâu sản xuất, đảm bảo các tiêu chuẩn VietGAP,
Global GAP... tiếp tục được nhân rộng, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng thu
nhập cho nông dân. Thị trấn là địa phương có truyền thống gieo trồng các loại
rau đậu thực phẩm để cung ứng cho chợ đầu mối phân phối đến các nơi. Chương
trình mỗi xã một sản phẩm được triển khai mạnh mẽ ; tính đến nay toàn thị trấn
có 04 sản phẩm (trong đó: Sản phẩm OCOP đạt 4 sao: 02 sản phẩm; 3 sao: 02 sản
phẩm)
Về
tiến trình thực hiện mục tiêu xây dựng
thị trấn trở thành đô thị loại 4: Đến nay thị trấn đã đạt 83,75/75 điểm (thang điểm 100) theo quy định tại Nghị quyêt
số 26/2022/UBTVQH đang được xúc tiến xác lập hồ sơ để được Trung ương kiểm tra
công nhận.
Song song với việc tập trung phát triển kinh tế , xây dựng hạ tầng kỹ
thuật, công tác văn hoá xã hội luôn được quan tâm đặt lên hàng đầu trong suốt
quá trình phát triển .
Nhiệm vụ giáo dục và đào tạo bảo đảm
đạt các chỉ tiêu đề ra.Thị trấn luôn là đơn vị dẫn đầu trong phong trào dạy và
học 30 năm qua. Quy mô, mạng lưới các
trường, lớp, nhóm trẻ tiếp tục được
mở rộng. Các mục tiêu lớn về giáo dục đều đạt kế hoạch đề ra. Chất lượng
giáo dục tiếp tục nâng cao.Thị trấn đã và đang là trung tâm
đào tạo chất lượng cao của toàn huyện. Hiện thị trấn có 1 trường THPT, 2 trường
THCS, 3 trường tiểu học, 2 trường mẫu giáo bán công, 2 trường mầm non tư thục,
5 trung tâm đào tao ngoại ngữ và hàng chục nhóm trẻ tư thục khác
Về lĩnh vực y tế : Thị trấn có 1 bệnh viện công (Trung tâm y tế huyện ),
1 bệnh viện tư ( Tâm Trí với trên 250 giường bệnh) , 2 phòng khám đa khoa kỹ
thuật cao, hàng trăm phòng khám tư nhân .
Trạm y tế được đầu tư xây dựng khang trang; Công
tác phòng chống dịch bệnh nhất là dịch Covid-19
được tăng cường. Mặc dù là địa phương
tiềm ẩn nguy cơ dịch xâm nhập rất cao song qua các đợt dịch, thị trấn vẫn kiểm soát tốt, đồng
thời là nơi tổ chức rất nhiều các đợt cứu trợ cho TPHCM và Đà Nẳng .
Các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho gia đình chính
sách được thực hiện chu đáo, kịp thời; chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân
từng bước được cải thiện; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được
nâng lên. Công
tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, đặc biệt là việc thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em,
các mục tiêu vì trẻ em, đã đạt được
những kết quả quan trọng..
Văn
hóa, thông tin, tuyên truyền được lãnh đạo, chỉ đạo gắn tăng trưởng kinh tế với
phát triển văn hóa, phát triển con người đã tạo được nhận thức tốt trong cán bộ
nhân dân. Đặc biệt để từng bước chuyển từ văn hoá, nếp sống nông dân sang thị
dân nhằm phù hợp với tiến trình đô thị hóa , từ năm 2017 thị trấn đã chủ động xây
dựng và triển khai Đề án “ Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị” và đang
triển khai quyết liệt , từng bước mang lại kết quả đáng mừng. Ngoài ra, thị
trấn đã cơ bản đạt được những tiêu chí
trong xây dựng đô thị văn minh.
Công
tác Tôn giáo được quan tâm . Địa phương luôn quan tâm tạo mọi điều kiện để tín
đồ các tôn giáo được hành đạo và tham gia vào mọi mặt của đời sồng xã hội theo
phương châm “ Tốt đời , đẹp đạo ”. Hiện thị trấn có 9 chùa lớn, 1 thánh thất
Cao Đài,1 chi hội Tin Lành, 1 nhà nguyện Thiên Chúa Giáo .
Về An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội:
Mặc dù là địa bàn hết sức phức tạp, nơi tập trung đẩy đủ các thành phần có biểu
hiện vi phạm pháp luật như mua bán sử dụng ma túy, các tụ điểm ăn chơi nhạy
cảm, tội phạm công nghệ cao...song tình
hình an ninh chính trị ,
trật tự an toàn xã hội trên địa bàn vẫn
giữ vững sự ổn định, nhân dân yên tâm tập trung chăm lo phát triển đời sống.
Có thể khẳng định: 30 năm
qua, nhân dân và cán bộ thị trấn đã làm được rất nhiều việc để có được một thị
trấn sôi động, đáng sống như hôm nay, trong đó có sự hy sinh, có mồ hôi, nước
mắt và cả những mất mát. Bên cạnh những thành tựu quan trọng về xây dựng và
phát triển, về những khu đô thị mới hình thành , về hệ thống giao thông thuận
lợi, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao …thành tựu lớn
nhất mà Nam Phước đang có là lòng dân luôn hướng về quê hương thân yêu của mình
với khát vọng mãnh liệt về con đường phát triển, là mối quan hệ tốt đẹp, sâu
đậm , bền chặt giữa nhân đân với Đảng
bộ, chính quyền, là sự đồng thuận xã hội rất cao để Nam Phước bước vào chặng đường phấn đấu phía trước với
sự tự tin nhất định.
30 năm qua, mặc dù đã đạt được những kết quả đáng mừng trên các
lĩnh vực của Đời sống xã hội , song thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn đó những khó
khăn lớn, hạn chế, tồn đọng khiến mỗi người dân Nam Phước không khỏi băn khoăn,
lo lắng. Với tinh thần cầu thị và trách
nhiệm với quê hương, cần thấy rằng: việc nhìn nhận trung thực, thắng thắn những
yếu kém, tồn tại để tìm ra nguyên nhân chủ quan và khách quan chi phối là hết
sức cần thiết nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, xây dựng các hệ
thống giải pháp để từng bước khắc
phục.
Kinh
tế tuy có tăng trưởng về giá trị sản xuất song hiệu quả thu nhập lại không cao,
đặc biệt là không ổn định. Đề án xây dựng nếp sống văn minh đô thị được triển
khai tương đối nghiêm túc, bài bản có kế hoạch, thường xuyên tổ chức kiểm tra
đánh giá từng quý, được tổ chức sơ kết,
tổng kết kịp thời song rõ ràng qua gần 7
năm thực hiện vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng,
hiệu quả chưa cao, chưa thực sự đi vào cuộc sống, sự tham gia của nhân
dân vào đề án chưa rõ, chưa nhiều. Mơ ước về một thị trấn có nếp sống văn minh
đô thị dường như vẫn còn đâu đó phía trước.
Lĩnh
vực ANCT-TTATXH vẫn còn tiềm ẩn nhiều nhân tố bất ổn, tệ nạn xã hội diễn biến
phức tạp, việc sử dụng các loại ma túy trên địa bàn có nguy cơ làm băng hoại một bộ phận không
nhỏ thanh thiếu niên và về lâu dài chắc sẽ có sự ảnh hưởng lớn đến gia đình và
xã hội. Bạo lực học đường, học sinh đánh
nhau tưởng như chỉ có ở đâu đó đã bắt đầu xuất hiện .
Đặc biệt, thời gian qua vẫn còn một
số ít ý kiến lạc lõng, phản đối với xu thế phát triển, chủ trương chung của địa
phương, một bộ phận nhỏ nhân dân vì lợi ích nhỏ của mình đã có những phát biểu
và việc làm gây cản trở đến tiến trình phát triển
Đơn thư đề nghị giải quyết các vụ
việc tranh chấp trong nhân dân ngày càng nhiều, trong đó có những sự việc rất đơn giản và chỉ vì một
chút lợi ích. Đạo đức xã hội có dấu hiệu xuống cấp.Tình làng nghĩa xóm đang có
nguy cơ mai một cùng với quá trình phát triển đang là nỗi day dứt, trăn trở của
nhân dân toàn thị trấn….
Bước vào thời kỳ phát triển mới, với thời cơ, thuận lợi đan xen với
những khó khăn thách thức gay gắt, đặc biệt sau khi tỉnh Quảng Nam được Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến
năm 2050, theo đó, theo quy hoạch hệ thống đô thị Nam Phước sẽ là đô thị loại
IV vào năm 2025, đến năm 2030 sẽ kết nối với các đô thị Duy Hải-Duy Nghĩa, Kiểm
Lâm nâng cấp Duy Xuyên thành thị xã, một số dự án quan trọng trong quy
hoạch sẽ được tập trung xây dựng tại thị
trấn như hệ thống thoát nước và cảnh quan sông Đào, nâng cấp quốc lộ 14H, đường
DT 610 … Nhân dân và cán bộ Nam Phước sẽ tập trung
triển khai các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra
trên cơ sở phát huy những thành tựu đã đạt được trong 30 năm qua, tiếp tục củng
cố lòng dân, chăm lo, bồi dưỡng , vun đắp sự đồng thuận xã hội cao tạo cơ sở và
tiền đề cho sự phát triển. Đẩy mạnh phát
triển văn hóa, nâng cao chất lượng thực hiện đề án văn hóa, văn minh đô thị
thông qua các hoạt động triển khai chi tiết, hiệu quả với mục tiêu phấn đấu
từng bước chuyển đổi nếp sống văn minh theo đề án , đồng thời có ngay giải pháp vận động để củng cố nền tảng đạo
đức xã hội, xây dựng con người thân thiện, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau. Nhất
quán trong việc thực hiện chủ trương dân chủ hóa đời sống xã hội và tăng cường
thực hiện các chính sách an sinh xã hội . Cần tạo mọi điều kiện để mối người
dân vươn lên làm chủ cuộc sống của mình , đặc biệt là tận tình chia xẻ, giúp đỡ
những người yếu thế trong xã hội …
Thời gian đến, khó khăn còn
nhiều, khối lượng công việc lớn, nhiệm vụ đặt ra cho nhân dân và cán bộ Nam
Phước còn rất nặng nề .Vói những thành
tựu đạt được 30 năm qua, với khát vọng vươn lên mãnh liệt… nhất định Nam Phước sẽ
sớm đạt được những thành tựu mới đáp ứng tốt nhất sự kỳ vọng và mong muốn của
toàn thể nhân dân.