“Tôi nằm trên nhánh cây
to, lấy lá phủ lên người để ngụy trang. Thấy địch đã tụ tập đông đủ, thế là
chúng tôi được lệnh kích nổ quả mìn. Sau đó, hàng chục quả lựu đạn được chúng
tôi ném xuống…”
Hơn
50 năm trôi qua kể từ lúc diễn ra trận đánh đó, nhưng bà Văn Thị Xoa (SN 1950, ở
tại thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) vẫn còn nhớ như in từng
chi tiết. Bà Xoa khẳng định, trận đánh thành công, phần lớn “công trạng” là nhờ
vào cây đa Chợ Đình và cây đa này cũng là “chứng nhân” của những chiến thắng
oanh liệt mà quân ta dành được trong những kháng chiến chống Mỹ.
Cây đa Chợ Đình
Tiêu diệt gọn quân địch
Ngày
20/5/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi: “…Dù phải chiến đấu 5 năm, 10
năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta cũng kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi
hoàn toàn”. Hội nghị Tỉnh ủy Quảng Đà mở rộng cũng đã khẳng định quyết tâm:
“Chưa giải phóng miền Nam thì còn đánh; chiến tranh gì cũng đánh, đối tượng nào
cũng đánh, lâu dài bao nhiêu cũng đánh,… Chúng ta có nhiệm vụ đánh Mỹ trước
tiên bằng hai chân ba mũi giáp công để đóng góp kinh nghiệm cho toàn miền và
góp phần đánh bại ý xâm lược của đế quốc Mỹ”. Trên cơ sở đó, cùng các Nghị quyết
của Đại hội Huyện ủy, các cấp ủy Đảng đã chuyển hướng chỉ đạo cho lực lượng du
kích đẩy mạnh các hoạt động tấn công địch ở khu vực quận lỵ. Đồng thời phát triển
phong trào diệt ác phá kèm trên các địa bàn, kiên quyết không cho địch nống chiếm
ra các vùng làm chủ của ta. Ngoài ra cũng phát động trong cán bộ, đảng viên, du
kích và quần chúng lòng căm thù giặc và quyết tâm đánh Mỹ.
Ở
trong bối cảnh lịch sử như vậy nên khi mới 14 tuổi, bà Văn Thị Xoa đãgiác ngộ
lý tưởng cách mạng và được giao nhiệm vụ là một chiến sĩ du kích mật tại xã
Xuyên Mỹ (thị trấn Nam Phước bây giờ), hoạt động trong lòng địch. Bà Xoa kể, qua
một thời gian theo dõi, nắm chắc quy luật di chuyển và hoạt động của địch, giữa
tháng 2/1966, bà và đồng chí Văn Phú Chinh nhận nhiệm vụ tham gia vào trận đánh
địch tại cây đa Chợ Đình. Cụ thể, sau khi tháp tùng đoàn cán bộ của Hội đồng
chính quyền xã Xuyên Mỹ từ quận lỵ về làm việc tại trụ sở đóng tại khu vực đình
tiền hiền Mỹ Xuyên Đông, 2 trung đội lính bảo an và lực lượng dân vệ của địch sẽ
tụ tập xung quanh gốc cây đa Chợ Đình để nghỉ mát và ăn uống. Đó là sự việc được
lặp đi lặp lại và đã bị quân ta theo dõi trong một thời gian dài. Mãi đến khi rạng
sáng ngày 5/3/1966, quân ta mới triển khai kế hoạch phục kích và đánh địch bằng
việc bí mật đặt mìn trên cành cây đa Chợ Đình. Đồng thời, bà Xoa và ông Chinh
là lực lượng du kích xã lúc bấy giờ được phân công ngụy trang nằm trên cành cây
đa đó cùng với giỏ lựu đạn hơn 20 quả. Khoảng 8 giờ sáng ngày 5/3/1966, mốc thời
gian lịch sử đáng nhớ nhất trong hàng loạt sự kiện ở khu vực xây đa Chợ Đình,
khi quân địch đã tụ tập đông xung quanh gốc cây như thường ngày, chúng không hề
biết, cái chết của chúng đã được định sẵn ngay tại lúc đó và ở địa điểm đó.
“Tôi
nằm trên nhánh cây to, lấy lá phủ lên người để ngụy trang. Thấy địch đã tụ tập
đông đủ, thế là chúng tôi được lệnh kích nổ quả mìn. Sau đó, hàng chục quả lựu
đạn được chúng tôi ném xuống. Địch không biết chuyện gì đang xảy ra, chúng hoảng
loạn khi thấy đồng đội chết la liệt. Một vài tên đạp lên xác đồng đội để tháo
chạy nhưng nhanh chóng bị lực lượng Đại đội I bộ đội huyện đã phục kích trước
đó ở khu vực ven sông Đào tiêu diệt gọn. Kết quả trận đánh tại cây đa Chợ Đình
lần đó, quân ta đã tiêu diệt 2 trung đội lính bảo an và hơn 10 tên lính dân vệ,
đồng thời tịch thu 40 súng và rút lui an toàn, không bị tổn thất về lực lượng”
- bà Xoa kể. Sau trận chiến này, bà Xoa được nêu gương “Nữ du kích dũng cảm -
mưu trí”.
Cần công nhận di tích lịch
sử
Ông
Nguyễn Văn Dương - nguyên là Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên giai đoạn 1969 - 1975,
năm 1966, ông là Huyện đội phó huyện Duy Xuyên, người trực tiếp chỉ huy trận
đánh tại cây đa Chợ Đình cho biết, trận đánh có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối
với việc phát triển phong trào diệt ác phá kèm trên các địa bàn, kiên quyết
không cho địch nống chiếm ra các vùng làm chủ của ta. Sau chiến thắng tại cây
đa Chợ Đình, quân địch bắt đầu run sợ trước những cung đường mà chúng đi qua tại
khu vực này. Khí thế của địch bị suy giảm rất nhiều, chúng không còn hiên ngang
càn quét như thời gian trước. Điều đặc biệt, hoạt động của chính quyền ngụy tại
trụ sở Hội đồng xã Xuyên Mỹ cũng bị hạn chế và đến năm 1968 thì tan rã hoàn
toàn, phải dời xuống khu vực ngã ba Nam Phước.
Cũng
theo ông Dương, cây đa Chợ Đình nằm ở vị trí hết sức quan trọng nên việc tổ chức,
triển khai các trận đánh để kiên quyết giữ địa bàn tại đây luôn được cấp trên đề
cao. Ngoài nằm gần với trụ sở Hội đồng xã Xuyên Mỹ của chính quyền địch, cây đa
Chợ Đình còn ở vị trí trung tâm, giữa khu vực chợ Chùa ở phía dưới giáp với đường
104 (nay là quốc lộ 14H), khu vực thôn Xuyên Tây (xã Xuyên Châu) ở phía trên và
khu vực cầu Đen giáp với quốc lộ 1. Đồng thời, đây còn là khu vực họp chợ của
nhân dân làng Mỹ Xuyên Đông và giáp với sông Đào. Chính vì nằm ở vị trí đắc địa
như vậy nên dù có khó đến mấy, quân ta cũng phải làm chủ.
“Ngoài trận đánh tại gốc cây đa Chợ Đình
thì xung quanh khu vực này, cây đa đó cũng chứng kiến rất nhiều trận đánh khác
giữa ta và địch nhằm dành lấy địa bàn trọng yếu này để giữ mối giao liên với
nhiều khu vực khác trên toàn địa bàn huyện. Đồng thời, làm chủ được địa điểm đó
cũng góp phần làm nên nhiều chiến thắng khác ở những mặt trận quan trọng, để giải
phóng hoàn toàn quê hương nói riêng và cả miền Nam nói chung. Dù cây đa Chợ
Đình ngày trước không còn và sau ngày giải phóng đã được trồng thay thế cây đa
khác nhưng giá trị lịch sử tại địa điểm đó vẫn còn nguyên vẹn. Vì vậy mà các cấp
chính quyền cần nghiên cứu công nhận địa điểm này là di tích lịch sử về chiến
thắng vẻ vang của quân ta năm 1966 để nhắc nhớ cho các thế hệ sau truyền thống
đấu tranh cách mạng hào hùng của dân tộc” - ông Dương cho biết thêm.
Tác giả: Nhà
báo PHAN VINH - Báo Quảng Nam