Tuyến đường Điện Biên Phủ - Ông
Ích Khiêm
Tuyến đường Điện Biên Phủ
Địa Điểm:
Thị trấn Nam Phước
Lý Trình:
Cầu Câu Lâu mới đến cầu
Bà Rén mới
Tóm tắt chiến dịch:
Chiến dịch Điện Biên Phủ
diễn ra trong 55 ngày đêm, nhưng các trận đánh không diễn ra liên tục mà được
chia thành 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Từ ngày 13 đến 17-3-1954, quân ta đã tiêu diệt gọn
cứ điểm Him Lam và Độc Lập, bức hàng cứ điểm Bản Kéo, phá vỡ cửa ngõ phía Bắc của
tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; diệt và bắt sống trên 2.000 tên địch, phá hủy
25 máy bay, xóa sổ 1 trung đoàn, uy hiếp sân bay Mường Thanh; Pi rốt, Tư lệnh
pháo binh Pháp ở Điện Biên Phủ bất lực trước pháo binh của ta, đã dùng lựu đạn
tự sát.
Giai đoạn 2: Từ ngày 30-3 đến 30-4-1954, quân ta đồng loạt tiến
công các cứ điểm phía Đông phân khu trung tâm; thắt chặt vòng vây, chia cắt, kiểm
soát sân bay Mường Thanh, hạn chế tiếp viện của địch cho Tập đoàn cứ điểm.
Đây là đợt tấn công dai dẳng,
dài ngày nhất, quyết liệt nhất, gay go nhất, ta và địch giành giật nhau từng tấc
đất, từng đoạn giao thông hào. Đặc biệt, tại đồi C1, ta và địch giằng co nhau tới
20 ngày và đồi A1 giằng co tới 30 ngày. Sau đợt tấn công thứ 2, khu trung tâm
Điện Biên Phủ đã nằm trong tầm bắn các loại súng của ta, quân địch rơi vào tình
trạng bị động, mất tinh thần cao độ.
Giai đoạn 3: Từ ngày 1 đến 7-5-1954, ta đánh dứt điểm dãy đồi
phía Đông và tổng tiến công tiêu diệt các vị trí còn lại, bắt sống Tướng De
Castries, kết thúc chiến dịch.
Sau 55 ngày đêm chiến đấu
dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ Tập đoàn cứ điểm
Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 ô
tô và toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang quân dụng của địch.
Tuyến đường Ông Ích Khiêm
Địa Điểm:
Thị trấn Nam Phước
Lý Trình:
Đường Điện Biên Phủ đến
đường Nguyễn Thành Hãn
Tóm tắt tiểu sử nhân vật:
Danh thần triều Nguyễn; đỗ Cử nhân năm 1847; có công dẹp
loạn thổ phỉ vùng biên giới phía Bắc.
Tiểu sử nhân vật:
Ông Ích Khiêm sinh ngày
25-1-1829 tại làng Phong Lệ, tổng Thanh Quýt, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam
(nay thuộc phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng). Ông đỗ cử nhân
khi mới 15 tuổi và làm quan dưới triều vua Tự Đức, từng giữ các chức như Tiểu
phú sứ, Sơn phòng sứ, Tả thị lang Bộ binh… Ông Ích Khiêm nổi tiếng là người
văn võ song toàn, lập nhiều chiến công hiển hách.
Tháng 9-1858, thực dân
Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng, chính thức mở đầu cuộc xâm lăng nước ta. Biết được
tài năng quân sự của Ông Ích Khiêm, triều đình triệu ông về kinh đô Huế phong
chức và cử vào Đà Nẵng cùng với Nguyễn Tri Phương chỉ huy nghĩa binh đánh Pháp.
Ông Ích Khiêm chỉ huy quân sĩ cùng với nhân dân đắp lũy, đào hào, thực hiện “vườn
không, nhà trống” quyết không để quân Pháp tiến sâu vào nội địa. Trước sự ngăn
chặn quyết liệt của nghĩa quân do Nguyễn Tri Phương và Ông Ích Khiêm chỉ huy,
âm mưu của thực dân Pháp đã không thể thực hiện được. Đến năm 1860, Pháp
đành phải rút quân khỏi Đà Nẵng, chuyển vào đánh chiếm Gia Định.
Dù nổi tiếng thanh liêm,
tài thao lược quân sự vượt trội nhưng tính khí nóng nảy, thẳng như ruột ngựa
làm không ít người ganh ghét. Khi giữ chức Binh bộ tả Thị lang ông bị một số kẻ
xấu hãm hại và đày vào nhà lao Bình Thuận. Tại đây, một phần vì phẫn uất, phần
vì cuộc sống tù đày khổ cực nên sức khỏe giảm sút, ông đã qua đời tại nhà ngục
Bình Thuận vào tháng 7-1884.