Tuyến Đường Bùi Tấn Diên – Xuân Diệu
Tuyến Đường Bùi Tấn Diên
Địa Điểm:
Thị trấn Nam
Phước
Lý Trình:
Sông Bầu Vân đến
Trung tâm thương mại
Tóm tắt tiểu sử nhân vật:
Người theo vua Lê Thánh Tông mở mang bờ cõi về phương Nam
(năm 1471); có công khai phá vùng đất phía Tây huyện Duy Xuyên.
Tiểu sử nhân vật:
Bùi Tấn Diên quê ở Nghệ An, cho đến nay
vẫn không rõ ông sinh và mất năm nào, chỉ biết ông sống vào khoảng nửa cuối thế
kỷ 15 dưới triều Lê Thánh Tông. Ông đã theo đoàn quân nam tiến của vua Lê vào
Quảng Nam, khai phá vùng đất mới, lập ra làng Vĩnh Trinh.
Huyện Duy Xuyên, trước có tên là huyện
Hy Giang thuộc phủ Thăng Hoa nguyên là đất Chiêm động của Chiêm Thành. Thời nhà
Hồ, sau khi lên ngôi năm 1402 Hồ Hán Thương đã đem đại binh vượt qua Hải Vân
đánh thắng quân Chiêm, chiếm Chiêm Động và Cổ Lũy mở rộng biên cương đến Quảng
Ngãi. Nhà Hồ chia hai động này thành 4 châu: Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, đặt An phủ
sứ và Phó sứ lộ Thăng Hoa để cai trị. Họ Hồ hạ lệnh cho dân không có ruộng ở
Nghệ An, Thuận Hóa đem vợ con vào ở để khai khẩn, dân ấy phải thích hai chữ tên
châu mình trên cánh tay cho khỏi bỏ trốn. Những người có trâu đem nộp thì được
ban phẩm tước để lấy trâu cấp phát cho dân cày. Nhưng chủ trương di dân của nhà
Hồ không được lâu dài, chỉ 4 - 5 năm sau quân Minh nấp dưới chiêu bài phù Trần
diệt Hồ sang đánh nước ta, Chiêm Thành nhân cơ hội đó cấu kết với quân Minh lấy
lại đất ấy và phần lớn những di dân người Việt vào đây đã phải theo Nguyễn Lỗ
trở về Thuận Hóa.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm Tân
Mão (1471) vua Lê Thánh Tông thân chinh, bình Chiêm thắng lợi, đổi Thăng Châu,
Hoa Châu thành ba huyện Hà Đông, Hy Giang và Lê Giang thuộc phủ Thăng Hoa; Tư
Châu, Nghĩa Châu thành ba huyện Bình Sơn, Nghĩa Giang và Mộ Hoa, thuộc phủ Tư
Nghĩa. Chia đất cũ của Chiêm Thành là Đồ Bàn thành ba huyện Bồng Sơn, Phù Ly và
Tuy Viễn, thuộc phủ Hoài Nhơn, đặt ba phủ rồi đưa tù nhân ba loại bị tội đồ tới
đây để làm “đầy biên giới. Với chiến thắng này, vua Lê không những thực hiện được
ý định khôi phục bốn châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, chấm dứt nạn binh đao, đem lại
cuộc sống bình yên cho nhân dân, mà còn mở rộng biên cương đến miền Vijaya, tức
là phủ Hoài Nhơn (ngày nay là Bình Định). Tháng 6 năm 1471, vua Lê Thánh Tông lấy
ba phủ Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn lập thành đạo thứ mười ba là Quảng Nam
Thừa tuyên đạo, sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt, đặt chức Án sát ở 12 thừa tuyên
và đặt 3 ty (Đô ty, Thừa ty, Hiến ty) ở Quảng Nam. Danh xưng Quảng Nam ra đời từ
đó.
Khác với lần di dân trước dưới thời nhà
Hồ, lần này khi di dân Việt đến thì người Chiêm không rời bỏ quê hương ra đi vì
họ biết rằng đất đai phía nam không màu mỡ bằng nơi mình đang sinh sống và họ
cũng không còn hy vọng lấy lại đất đã mất nên chấp nhận lệ thuộc Đại Việt. Cuộc
di dân dưới thời Lê Thánh Tông vô cùng quan trọng vì giúp người dân yên ổn làm
ăn, không còn nơm nớp lo sợ người Chiêm đến cướp phá như ở Thuận Hóa trước kia.
Sau khi lập đạo Thừa tuyên Quảng Nam, vua Lê Thánh Tông đã giao cho Phạm Nhữ
Tăng cai quản vùng đất biên cương mới mở của Đại Việt với chức Quảng Nam Thừa
tuyên Đô thống, Thái úy Trình quốc công Nguyễn Đức Trung làm Đô ty Thừa tuyên
Quảng Nam và cử các tướng Nguyễn Văn Lang, Lê Tấn Triều, Lê Tấn Trung là những
vị tướng tài ba đã từng theo vua bình Chiêm, ở lại khai hoang lập ấp, di dân đến
sinh cơ lập nghiệp ở vùng đất mới này.
Trong chiến dịch này, từ đất Hoan Châu
(Nghệ An), Bùi Tấn Diên theo đoàn quân nam tiến của vua Lê Thánh Tông giữ nhiệm
vụ vừa đồn thủ vừa khai phá những vùng đất mới thu phục được. Bùi Tấn Diên và
con trai là Bùi Tấn Trường đã ở lại bờ nam của sông Thu Bồn cùng với đoàn di
dân trải qua bao gian khổ khai khẩn đất đai lập nên 6 thôn: Lệ Trạch, Vĩnh
Trinh, Thanh Châu, Cổ Tháp, Cù bàn, An Lâm.
Ngay khi mới lập ra làng xã, Bùi Tấn
Diên và Bùi Tấn Trường cùng cư dân lục thôn đã dựng Đình Châu để làm nơi sinh
hoạt chung của 6 thôn. Ban đầu đình dựng bằng tranh, lâu năm bị hư hỏng đến năm
Cảnh Hưng thứ 15 (1754) mới được tái thiết và dựng bia kỷ niệm.
Bùi Tấn Diên không những đã có công lớn
trong sự nghiệp khai khẩn, mở mang huyện Duy Xuyên, biến vùng đất biên cương mới
thu phục thành làng mạc trù phú mà ông còn là thủy tổ của một dòng tộc có lắm
nhân tài thành công trên nhiều lĩnh vực.
Tuyến đường Xuân Diệu
Địa Điểm:
Thị trấn Nam Phước
Lý Trình:
Đường Bùi Tấn Diên đến đường 28/3
Tóm tắt tiểu sử nhân vật:
Nhà thơ, tên thật là Ngô Xuân Diệu; nổi tiếng từ phong trào Thơ mới; Giải
thưởng Hồ Chí Minh năm 1996.
Tiểu sử nhân vật:
Xuân Diệu (2/2/1916 - 18/12/1985) tên thật là Ngô Xuân Diệu, còn có bút
danh Trảo Nha, quê tại làng Trảo Nha, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nhưng sinh tại
quê mẹ ở xã Hoà Phước, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, nơi cha ông là Ngô Xuân
Thọ vào dạy học và kết duyên với mẹ là Nguyễn Thị Hiệp. Ông sống ở Tuy Phước đến
năm 11 tuổi (1927) thì xuống học ở Quy Nhơn. Năm 1936-1937, ông học và tốt nghiệp
tú tài ở Huế. Năm 1937, Xuân Diệu sau ra Hà Nội học trường Luật và viết báo,
trong thời gian 1938-1940 ông là thành viên nhóm Tự lực văn đoàn, và cùng Huy Cận
ở gác 40 Hàng Than.
Năm 1940, ông vào Mỹ Tho làm tham tá thương chánh. Năm 1942, ông quay lại Hà Nội
làm nghề viết văn. Năm 1944, ông tham gia Việt Minh rồi tham gia kháng chiến,
di tản lên chiến khu Việt Bắc, hoạt động văn nghệ cách mạng. Sau hoà bình, ông
về sống và làm việc tại Hà Nội đến khi mất.
Xuân Diệu viết nhiều, có khoảng 450 bài thơ, nhưng một số lớn chưa được xuất bản.
Tác phẩm tiêu biểu gồm các tập thơ Thơ thơ (1938), Gửi hương cho
gió (1945), Ngọn quốc kỳ (1945), Một khối hồng (1964), Thanh
ca (1982), Tuyển tập Xuân Diệu (1983), truyện ngắn Phấn thông
vàng (1939), và nhiều bút ký, tiểu luận, phê bình văn học.
Xuân Diệu là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của phong trào Thơ mới. Ông
mang ngọn gió rạo rực, thiết tha, nồng cháy, khao khát yêu thương đến cho thi
ca. Thơ Xuân Diệu là “vườn mơn trớn”, ca ngợi tình yêu bằng muôn sắc điệu, âm
thanh và hương vị trong Thơ thơ, pha lẫn chút vị đắng cay trong Gửi
hương cho gió. Nhiều câu nhiều bài chịu ảnh hưởng từ thi ca lãng mạn Pháp. Ngay
từ buổi đầu bước chân vào làng thơ, Xuân Diệu dường như đã tự chọn cho mình một
tôn chỉ: sống để yêu và phụng sự cho tình yêu! Phụng sự bằng trái tim yêu nồng
cháy, bằng cuộc sống say mê và bằng việc hăm hở làm thơ tình! Xuân Diệu ví mình
như một con chim bay hay hát: “Tôi réo rắt, chẳng qua Trời bắt vậy”. Vì Xuân Diệu
sống hết mình cho tình yêu cộng với tài thơ thiên phú, lại gặp buổi “gió Âu mưa
Mĩ”, những khát vọng yêu đương của trai gái được tháo cũi sổ lồng, cho nên
trong thơ tình của Xuân Diệu có tiếng máu dồn mạnh trong huyết quản, có dòng nhựa
sống tràn trề mãnh liệt của cả thế hệ đang vươn dậy.
Từ khi tham gia Việt Minh, Xuân Diệu trở thành một trong những nhà thơ hàng đầu
ca ngợi cách mạng, bút pháp của ông chuyển biến phong phú về giọng vẻ: có giọng
trầm hùng, tráng ca, có giọng chính luận, giọng thơ tự sự trữ tình.