Tìm về cội nguồn lịch sử các di tích ở huyện Duy Xuyên nói chung và di tích ở đình Mỹ Xuyên Đông nói riêng, ta không khỏi tự hào một nơi vẫn còn vang bóng những cây đa, bến nước, sân đình - biểu tượng của làng quê Việt Nam.
Từ ngã ba Nam Phước đi về hướng Tây theo đường quốc lộ 14 H khoảng 2km đến Chợ Chùa, rẽ phải đến sân vận động, đi dọc theo đường bê tông ven bờ Bắc sông Đào khoảng 2,5km là đến di tích. Cả quần thể cây đa, chợ Đình và di tích đình làng Mỹ Xuyên Đông nằm trong một cụm (thuộc thôn Xuyên Đông 1, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam).
Đình Mỹ Xuyên Đông ngày hôm nay tuy không lớn nhưng bên trong lại hàm chứa nhiều giá trị nhân văn sâu sắc, nhiều tài sản vô cùng quí báu. Đó là những di vật lịch sử mà hiện nay còn lưu giữ, gồm 32 đạo sắc phong được các vua từ Minh Mạng đến Khải Định ban, dẫu trải qua bao dâu bể chiến tranh, nhưng dân làng vẫn gìn giữ và bảo vệ. Mỹ Xuyên là vùng đất nằm phía Nam hạ du sông Thu Bồn; phía Đông giáp đường Quốc lộ 1A, phía Bắc giáp sông Thu Bồn, phía Nam và phía Tây Nam giáp vòng cung sông Bà Rén; đều cách cửa biển Cửa Đại khoảng 12km. Vì cả ba mặt đều giáp sông nên Mỹ Xuyên được phù sa bồi đắp bởi dòng sông Thu Bồn và Bà Rén. Do vậy, đất đai màu mỡ, cây cối xanh tươi, lại giáp đường Quốc lộ 1A nên rất thuận tiện cho sản xuất và lưu thông.
Ngài Lê Quí Công đã chọn dải đất ở thế “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận hải, tứ cận điền” để qui dân lập ấp. Khi ngài Lê Quí Công qua đời, phần mộ ngài được an táng tại làng Mỹ Xuyên (đây là ngôi mộ lâu đời nhất của làng). Khi đời sống dần khấm khá, các dòng tộc tại Mỹ Xuyên đã xây dựng đình thờ thần của làng. Theo lời hai cụ ở Mỹ Xuyên là cụ ông Nguyễn Văn Xuyên và cụ ông Văn Phú Phúc thì đình làng Mỹ Xuyên Đông được xây dựng vào khoảng thời Chúa Tiên - Nguyễn Hoàng (1600- 1613).
Do chiến tranh, ngôi đình và cây đa không còn nữa. Đến năm 2001, đình làng Mỹ Xuyên Đông được trùng tu lại trên nền móng cũ, chính điện xây về hướng Tây Nam, đình xây theo kiểu tam gian nhị hạ (ba gian hai chái), tường xây, trụ bê tông giả gỗ, mái đổ bê tông trên lợp ngói. Thời gian và việc trùng tu, tôn tạo đã ít nhiều làm thay đổi diện mạo của ngôi đình xưa, nhưng những nét chạm trổ, kiến trúc và những cấu trúc ban đầu vẫn còn giữ được nguyên gốc. Đây chính là dấu tích lịch sử chứng minh cho sự ra đời của sự cộng cư làng xã, đa tộc họ đã hình thành từ xa xưa còn lưu lại trên đất Quảng Nam.
Với vị trí nằm giữa làng, đình Mỹ Xuyên Đông từ khi lập làng đến cuối triều Nguyễn, xóm làng luôn đông đúc, dân cư ấm no, có nhiều đóng góp cho đất nước. Các triều vua từ Minh Mạng đến Khải Định có 32 đạo sắc phong Thần của làng đã có công “Hộ quốc, tý dân, nẫm trứ linh ứng”. Một thiết chế văn hoá tâm linh thờ Thành Hoàng, thuỷ tổ để an dân ở vùng đất mới ra đời. Ngôi tiền đường của làng Mỹ Xuyên Đông được xây dựng từ thời vua Lê Kính Tông. Dẫu chiến tranh tàn phá, người dân Mỹ Xuyên vẫn luôn lưu giữ các bản sắc văn hóa, các đạo sắc - linh hồn của đình - vẫn còn đến nay nguyên màu giấy mực. Đó là minh chứng cho sự đóng góp của nhân dân làng Mỹ Xuyên qua nhiều thế hệ cho đất nước, cho quê hương. Hằng năm vào ngày 12/02 âm lịch dân làng thường tổ chức tế đình, nhằm tưởng nhớ các bậc tiền bối, các vị anh linh đã có công khai phá lập ấp, lập làng.
Việc bảo tồn phát huy các di sản văn hoá là một trong những hoạt động gắn liền với việc bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc, tạo sự phát triển trong tương lai của đất nước từ những liên kết đặc thù của quá khứ và tương lai. Vì thế, bảo tồn phát huy giá trị các di sản văn hoá là nhiệm vụ mang tính chiến lược cần phải được tiến hành thường xuyên. Mảnh đất Duy Xuyên nhờ địa hình thuận lợi, là nơi giao thoa, hội tụ của nhiều tầng văn hoá. Chính những điều đó đã làm cho Duy Xuyên ngày nay trở thành một vùng đất có nền văn hóa thâm hậu. Bản sắc văn hoá dân tộc chính là nền tảng tinh thần của xã hội, là năng lượng tạo ra năng lực nội sinh cho mọi sự phát triển của dân tộc. Nhân dân thị trấn Nam Phước nói riêng, huyện Duy Xuyên nói chung rất đỗi tự hào về điều này.
Đình làng Mỹ Xuyên Đông đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 4451/2011/QĐ-UBND, ngày 30/12/2011 xếp hạng di tích cấp tỉnh.